Ứng dụng chế phẩm sinh học trồng trọt canh tác hồ tiêu
Sau nhiều năm nghiên cứu, trường Đại học Tây Nguyên đã tìm ra biện pháp sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây hồ tiêu.
Theo đó, nhà trường đã xây dựng được các mô hình sản xuất hợp lý bảo đảm canh tác tiêu bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, đem lại nhận thức mới cho người dân trong canh tác cây hồ tiêu.
Các nhà khoa học đã sử dụng các chế phẩm sinh học chitin, chitosan và chitosan oligomer cho cây hồ tiêu trong thời kỳ kiến thiết cơ bản.
Các chế phẩm sinh học được tách chiết từ vỏ tôm cua, côn trùng, vách tế bào nấm. Đây là những thành phần không độc hại, phân hủy sinh học nhanh và an toàn với môi trường.
Các thành phần chitosan và chitosan oligomer có hoạt tính kích thích tăng trưởng ở thực vật, tăng số lượng vi sinh vật có lợi, hạn chế nấm gây hại trong đất và tăng cường hệ thống đề kháng của thực vật đối với cây trồng.
Ứng dụng vào sản xuất, các chế phẩm được tưới cho cây hồ tiêu ba lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày. Sau ba tháng, số lượng nấm mốc và xạ khuẩn có trong đất tăng lên nhanh chóng.
Đặc điểm nông học và yêu cầu ngoại cảnh của cây tiêu
– Hồ tiêu là cây công nghiệp lâu năm, thân bò, cần có trụ để cây bám rễ. Cây thích hợp với vùng xích đạo và nhiệt đới, cần nhiệt độ bình quân cao, khoảng 22-28oC.
– Hồ tiêu yêu cầu lượng mưa cao từ 1.500-3.000 mm/năm phân bổ đều trong 7-8 tháng và cần 3-5 tháng không mưa để tượng hoa. Cây hồ tiêu yêu cầu đất trồng cần tơi xốp, nhiều mùn, pH 5.5-6.5.
– Ở nước ta, hồ tiêu thường được trồng trên đất nâu đỏ, nâu vàng trên bazan, đất vàng đỏ trên granit và đất xám. – Cây hồ tiêu thường được trồng ở mật độ từ 1.100-2.000 nọc/ha, tùy vào giống tiêu (tán lớn hay nhỏ), đất trồng (tốt hay xấu) hay loại trụ (trụ sống, trụ gạch xây hay trụ bê tông).
– Một số giống hồ tiêu phổ biến đang được trồng ở nước ta: giống tiêu Vĩnh Linh, giống tiêu Trung (Lộc Ninh), giống tiêu Sẻ (Sẻ Lộc Ninh, Sẻ mỡ Daklak, Sẻ đất đỏ Bà Rịa), giống tiêu Trâu, giống tiêu Phú Quốc, giống tiêu Ấn Độ, ..
Nhu cầu dinh dưỡng của cây hồ tiêu
– Cây hồ tiêu yêu cầu đạm và kali cao nhất, sau đó mới tới lân, canxi, magiê, lưu huỳnh và các vi lượng (Zn, Bo, Cu, Mo, Fe, Mn, …).
– Các kết quả nghiên cứu cho thấy với mật độ 1.600 nọc/ha, mỗi năm cây lấy đi từ đất khoảng 250 kg N (tương đương với 540 kg Urê), 35 kg P2O5 (220 kg Super lân), 205 kg K2O (340 kg KCl), 45 kg CaO (120 kg vôi nông nghiệp), 20 kg MgO (60 kg MgSO4) và các nguyên tố vi lượng khác. Tuy nhiên, lượng phân bón vào thường phải cao hơn rất nhiều vì hiệu quả sử dụng phân thấp do phân có thể bị bay hơi, rửa trôi, thấm sâu và bị keo đất giữ lại.
Chế phẩm sinh học cho cây hồ tiêu
Hầu hết số xạ khuẩn và nấm mốc này có khả năng tổng hợp các loại enzyme làm tan vách tế bào của các loại nấm gây bệnh và một số côn trùng, giúp cho cây hồ tiêu có khả năng làm tăng đề kháng với các loại nấm bệnh trong đất.
Trong quá trình canh tác, khi bón các chế phẩm chitosan và chitosan oligomer đã làm giảm đáng kể số lượng nấm gây bệnh Fusarium đối với cây hồ tiêu.
Ngoài cơ chế gia tăng gián tiếp số lượng nấm mốc và xạ khuẩn, chế phẩm chitosan và chitosan oligomer còn có hoạt tính kháng nấm Fusarium trực tiếp. Nấm Fusarium bị ức chế hoàn toàn khi nuôi cấy trên môi trường bổ sung chitosan và chitosan oligomer nồng độ 0,1-0,15%.
Các chế phẩm sinh học nói trên còn làm giảm số lượng tuyến trùng trong rễ cây hồ tiêu đến tám lần so với những vườn cây không sử dụng chế phẩm.
Mặt khác, khi phun chế phẩm chitosan oligomer nồng độ 200mg/l lên lá, lượng diệp lục trong lá cây hồ tiêu tăng gần 50%. Cây được kích thích sinh trưởng thân dây chính và các cành nhánh phát triển nhanh hơn.
Thực tế sản xuất đã cho thấy, các chế phẩm sinh học chitin, chitosan và chitosan oligomer khi tưới hoặc bón vào đất đã có hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện khu hệ vi sinh vật trong đất trồng hồ tiêu, góp phần làm giảm đáng kể số lượng các loại nấm gây bệnh trên cây hồ tiêu.
Tiếp thu thành quả nghiên cứu và thực nghiệm của Trường đại học Tây Nguyên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đăk Nông đang áp dụng việc sử dụng các chế phẩm sinh học vào canh tác cây hồ tiêu thời kỳ kiến thiết cơ bản của nhiều hộ nông dân và đã đạt kết quả khả quan. Trong đó, áp dụng phổ biến tại các địa phương trồng nhiều hồ tiêu như huyện Đắk R’lâp, Cư Jut và thị xã Gia Nghĩa.
Cây hồ tiêu là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao nhưng hiện nay việc canh tác loại cây này của các hộ dân đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là sự tàn phá trên diện rộng của bệnh vàng lá chết nhanh, vàng lá chết chậm do các loại virus gây ra.
Hiện nay, các biện pháp phòng trừ hóa học không hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác hồ tiêu bước đầu thành công đã mang triển vọng lớn về phát triển sản xuất bền vững. Thời gian tới, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu các chế phẩm sinh học áp dụng canh tác cây.
Theo Vietnam+