Định hướng phát triển công nghệ sinh học tại Việt Nam

định hướng phát triển công nghệ sinh học

 

Định hướng phát triển công nghệ sinh học tại Việt Nam

Nhiều đề tài nghiên cứu, công trình khoa học bị lãng phí, không ra ngoài thị trường được có phần cũng vì tổ chức và quản lý chưa tốt, cần phải sớm tháo gỡ được vấn đề này.

Trong trả lời PV Chất lượng Việt Nam mới đây, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội hoá sinh Việt Nam nhận định rằng, không phải giới khoa học Việt Nam hiện nay chưa đủ năng lực hoặc nhà nước chưa đầu tư thích đáng mà có phần vì chúng ta chưa làm tốt khâu tổ chức và quản lý. Điều đó dẫn đến bên cung và bên cầu chưa gặp nhau một cách thỏa đáng.

Giáo sư có đánh giá thế nào về sự phát triển của công nghệ sinh học ở Việt Nam hiện nay?

Theo tôi, một số công trình nghiên cứu đã có khả năng ứng dụng và không phải là không có giá trị. Vấn đề hiện nay, đặt ra trước hết là ở khâu tổ chức, để từ phòng thí nghiệm có thể ra sản xuất, cầu nối trung gian này hiện nay còn rất nhiều vấn đề.

Qua thực tế cho thấy, những năm gần đây đã có những tiến bộ nhất định về cầu nối trung gian này. Ví dụ như Chợ công nghệ và thiết bị – Techmart, hàng năm tổ chức mang lại hiệu quả và cũng tạo được cầu nối cho bên cung và bên cầu. Bên cạnh đó, có nhiều cơ quan, doanh nghiệp và hiệp hội cũng đã có các hoạt động để tăng cường khả năng chuyển giao công nghệ.

Điều đó cho thấy, việc kết nối cung cầu đã có những khởi sắc bước đầu, cụ thể như trong 5 năm gần đây, tuy nhiên vẫn chưa đạt như mong muốn.

Việc tạo cầu nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp là công việc đòi hỏi một sở trường khác mà phần lớn các nhà khoa học không có nhiều khả năng và điều kiện để thực hiện. Các nhà doanh nghiệp cũng không thể biết được hết các kết quả nghiên cứu, giải pháp hữu ích mà nhà khoa học đang sở hữu để tiếp cận.

Như vậy, lúc này cần đẩy mạnh công nghiệp công nghệ sinh học, đưa ra sản xuất lớn hơn. Còn các đề tài nhà nước (R&D) đều đã có những thử nghiệm, thí nghiệm ở các quy mô khác nhau.

Nếu câu hỏi đặt ra là, cần làm gì để đẩy mạnh, phát triển công nghệ sinh học? Câu trả lời sẽ là cần làm tốt hơn cầu nối giữa nhà nghiên cứu ở quy mô nhỏ, cần phát triển mạnh hơn với các doanh nghiệp để, hình thành công nghiệp công nghệ sinh học Việt Nam.

>>> Xem thêm:

Các trung tâm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm đã có những năng lực nhất định và nhà nước cũng đã khá quan tâm đầu tư để có khả năng đáp ứng nhu cầu thưa Giáo sư?

Điều này là sự thật và thực tế cho thấy không chỉ ở một lĩnh vực mà có rất nhiều lĩnh vực khác nhau, có những kết quả có thể chuyển giao sản xuất. Điển hình như trong sản xuất phân bón, có nhiều doanh nghiệp đã áp dụng thành công những sáng kiến hữu ích, đem lại lợi nhuận cho nền kinh tế. Cụ thể như trường hợp doanh nghiệp sản xuất phân bón vi sinh của TS. Lê Văn Tri – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ sinh học – phân bón Fitohoocmon – Bifi… sản phẩm đã có trên rất nhiều địa phương.

Bài học thành công của doanh nghiệp này là chuyển giao cho các địa phương, các địa phương xin các tài trợ, hỗ trợ để phát triển sản phẩm, đây là mô hình rất tốt hiện nay nên nhân rộng.

Nhà nước phải đầu tư rất lớn,  nhưng khi đưa vào doanh nghiệp, liệu họ có đủ năng lực hấp thụ, vận dụng hết sáng tạo của nhà khoa học không thưa Giáo sư?

Nếu như chuyển giao quyền sử dụng, trách nhiệm của nhà khoa học với cơ sở sản xuất rất lớn và sự thành công sẽ lớn hơn. Các nhà khoa học nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất thành công sản phẩm, đã là một khó khăn, còn việc hiểu biết về thị trường, tiếp thị sản phẩm, là một lĩnh vực cần nhiều chi phí, vượt quá khả năng của họ. Thậm chí có nhà khoa học còn nói rằng, nếu phải đặt giá thành, thì họ không thể tính hết được các chi phí. Vì vậy, hiện nay xã hội đã có các thành phần kinh tế khác nhau, ai ở trong lĩnh vực nào nên khai thác hết thế mạnh của mình. Vấn đề đặt ra là kết nối giữa những người có sở trường khác nhau đó để đưa các công trình nghiên cứu đến thực tế. Nếu các nhà khoa học và doanh nghiệp đến được với nhau, chắc chắn đủ điều kiện hơn để có những thành công lớn hơn.

Công tác phổ biến, truyền thông các giải pháp hữu ích, sáng kiến cũng cần được đẩy mạnh cung cấp tới doanh nghiệp, cho họ biết hết khả năng “cung” của các nhà khoa học như thế nào. Hoặc với các nhà khoa học, cũng cho họ biết khả năng cầu như thế nào và đến đâu.

Ở nước ta hiện nay, khâu tổ chức và quản lý vẫn còn chưa đạt, cần phải đẩy mạnh tổ chức và quản lý trong mọi lĩnh vực. Các chính sách cũng đã có nhiều chuyển biến rất thuận lợi, cho phát triển, nhưng thực thi lại còn tồn tại quá nhiều vấn đề.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Nguồn: VietQ