Phân bón vi sinh vật đã được nghiên cứu sản xuất và sử dụng rộng rãi ở hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các dòng sản phẩm phân bón vi sinh vật không chỉ cung cấp một phần đáng kể chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng mà còn có tác dụng nâng cao hiệu quả sử dụng phân khoáng, đồng thời tăng cường sức chống chịu của cây trồng đối với sâu bệnh và điều kiện thời tiết không thuận lợi. Đặc biệt, phân bón vi sinh vật mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sử dụng đồng thời có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường và phát triển bền vững.
Trong bài viết này, PGS. TS. Phạm Văn Toản đến từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam sẽ giúp chúng ta tìm hiểu khái niệm phân bón vi sinh vật và những loại phân bón vi sinh đang được sử dụng phổ biến.
Phân bón vi sinh vật là gì?
Cùng với chất hữu cơ, vi sinh vật (VSV) sống trong đất, nước và vùng rễ cây có ý nghĩa quan trọng trong các mối quan hệ giữa cây trồng, đất và phân bón. Hầu hết các quá trình xảy ra trong đất đều có sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp của VSV như mùn hóa, khoáng hóa chất hữu cơ; phân giải, giải phóng chất dinh dưỡng vô cơ từ hợp chất khó tan hoặc tổng hợp chất dinh dưỡng từ môi trường… Vì vậy, vi sinh vật được xác định như là một bộ phận của hệ thống dinh dưỡng cây trồng tổng hợp.
Phân bón vi sinh vật (phân vi sinh) là sản phẩm phân bón có chứa các chủng vi sinh vật sống đã được tuyển chọn với mật độ phù hợp và thông qua hoạt động của các nhóm vi sinh vật để tạo nên các chất dinh dưỡng mà cây trồng có thể sử dụng được như nito, phospho, kali… hoặc các chất sinh học nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Phân bón vi sinh phải đảm bảo không gây ảnh hưởng xấu đến người lao động, môi trường sinh thái và chất lượng nông sản.
Các loại phân bón vi sinh vật
Tùy theo công nghệ sản xuất, phân bón vi sinh có thể chia thành 2 loại:
- Phân vi sinh trên nền chất mang khử trùng (chế phẩm vi sinh vật) là sản phẩm được tạo thành từ sinh khối của nhóm vi sinh vật tuyển chọn và chất mang đã tiệt trùng. Mật độ vi sinh hữu ích > 10^9 CFU/g(ml) và mật độ vi sinh vật tạp nhiễm thấp hơn 1/1000 lần so với tổng số VSV hữu ích. Nhóm phân bón vi sinh dạng này được sử dụng dưới dạng nhiễm hạt, hồ rễ hoặc tưới phủ với liều lượng 1-1,5 kg(lít)/ha canh tác.
- Phân vi sinh trên nền chất mang không khử trùng được sản xuất bằng cách tẩm nhiễm trực tiếp sinh khối VSV hữu ích vào cơ chất mà không cần trải qua công đoạn khử trùng. Phân bón vi sinh dạng này có mật độ VSV hữu ích > 10^6 CFU/g(ml) và được sử dụng với số lượng từ vài trăm cho đến hàng ngàn kg(lít)/ha canh tác.
Xem thêm:
Ngoài ra, dựa vào tính năng tác dụng của các chủng vi sinh vật được sử dụng, phân bón vi sinh còn được phân biệt thành các loại khác nhau:
1. Phân vi sinh cố định ni tơ (phân đạm vi sinh) chứa các vi sinh vật sống cộng sinh với cây họ Đậu, hội sinh trong vùng rễ cây trồng cạn hay tự do trong đất, nước có khả năng sử dụng nito từ không khí tổng hợp thành đạm cung cấp cho đất và cây trồng.
2. Phân vi sinh phân giải hợp chất phospho khó tan (phân lân vi sinh) là loại phân vi sinh được sản xuất từ các vi sinh vật có khả năng chuyển hóa các hợp chất phospho khó tan thành dạng dễ dung nạp để cây trồng sử dụng.
3. Phân vi sinh chức năng là sản phẩm có chứa không chỉ các vi sinh vật làm phân bón như cố định nito, phân giải lân, kích thích sinh trưởng thực vật… mà còn có các loại vi sinh vật có khả năng ức chế, tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh cho cây trồng. Ngoài vi khuẩn nốt sần đã trở thành hàng hóa và được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, các nhóm vi sinh vật khác cũng đã được nghiên cứu và sử dụng trên diện rộng như cố định nito tự do từ Azotobacter, Clostridium, tảo lam; cố định nito hội sinh từ Azospirillum; phân giải phosphat khó tan từ Bacillus, Pseudomonas…; tăng sức đề kháng cho cây trồng, phòng trừ vi sinh vật gây bệnh vùng rễ từ Streptomyces, Bacillus…
—————————————-
Searches related to phân bón vi sinh vật
- giá phân bón vi sinh
- phân bón vi sinh là gì
- phân bón vi sinh sông gianh
- phân bón vi sinh hữu cơ
- sản xuất phân bón vi sinh
- phân bón lá vi sinh
- tài liệu vi sinh vật
- sản xuất phân hữu cơ vi sinh